Linh chi là một vị thuốc đã sử
dụng trên 2000 năm, có tên khoa học Ganoderma lucidum, là một thảo dược
vốn được người xưa coi là thượng phẩm. Gọi là nấm nhưng khác với một số
nấm ăn thông thường, Linh chi có nhiều hình dáng khác nhau, chẳng hạn:
hình thận, gạc nai. Màu sắc của nấm Linh chi cũng phong phú: đỏ, vàng,
hồng, đen, xanh...
Linh chi được xem như là một loại tiên đan, diệu dược, vì "Linh chi là thuốc kết tinh được cái quý của mây mưa trên núi cao, cái quý của ngũ hành trong ngày đêm mà khoe năm sắc nên có thể giữ gìn sức khỏe cho các bậc đế vương" (Thần nông bản thảo). Vào thế kỷ 16, Lý Thời Trân (1590) định nghĩa Linh chi là loại "Cây cỏ tốt lành, ăn nhiều có thể làm cơ thể nhẹ đi mà không già, sống lâu như thần tiên", với các đặc điểm: tính bình, không độc. Linh chi có tác dụng làm tăng trí nhớ, điều hòa hoạt động tim mạch, hô hấp, an thần, lợi tiểu, bổ thận, trị đau nhức khớp xương, gân cốt,. ..
Theo các tài liệu cổ và những nghiên cứu khoa học gần đây, có thể tóm tắt tác dụng chủ yếu của Linh chi như sau:
- Đối với hệ tim mạch: Nấm Linh chi có tác dụng điều hòa, ổn định huyết áp. Khi dùng cho người huyết áp cao, nấm Linh chi làm hạ huyết áp, dùng lâu thì huyết áp ổn định. Với người suy nhược, huyết áp thấp, nấm Linh chi có tác dụng nâng huyết áp nhờ vào khả năng cải thiện, chuyển hóa dinh dưỡng. Nấm Linh chi làm giảm cholesterol toàn phần, làm tăng nhóm lipoprotein tỷ trọng cao trong máu, dùng tốt với những người bị xơ mỡ động mạch. Nấm Linh chi làm giảm khả năng kết tập tiểu cầu nên dùng được với những trường hợp co thắt mạch vành, nhờ vậy mà giảm được cơn đau thắt tim. Kết quả nghiên cứu trên thực nghiệm đã chứng tỏ Linh chi có tác dụng cải thiện công năng tim mạch, tăng lưu lượng máu tim và động mạch vành, tăng tuần hoàn mao mạch tim.
- Với các bệnh hô hấp: Nấm Linh chi được dùng để điều trị viêm phế quản dị ứng, hen phế quản, hiệu quả có thể đạt tới 80%.
- Với các bệnh gan mật: Linh chi có tác dụng tốt tới các bệnh gan mạn tính nhờ vào tác dụng nâng cao chức năng gan. Theo các nghiên cứu của PGS. TS. Trịnh Xuân Hậu (ĐH Khoa Học Tự Nhiên - ĐH Quốc Gia Hà Nội) và TS. Lê Xuân Thám (Trung tâm Kỹ thuật Hạt nhân TP.HCM), nấm Linh Chi nuôi trồng tại Việt Nam có tác dụng bảo vệ phóng xạ khá tốt trên thực nghiệm.Với bệnh tiểu đường: Linh chi có khả năng ổn định đường huyết ở những người bị bệnh đái tháo đường do trợ giúp quá trình tạo glycogen, tăng cường oxy hóa acid béo, giảm tiêu hao glucose.
- Với bệnh thấp khớp: Bác sĩ Wilkinson (Anh) cho biết nấm Linh chi tỏ ra rất hiệu quả trong điều trị viêm khớp nhờ các tác nhân chống viêm tên là ftriturpinoids, có tác dụng tương tự corticoid.
- Với bệnh ung thư: Các nhà nghiên cứu Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan đã thực hiện nhiều công trình chứng minh nấm Linh chi có đặc tính tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Theo kết quả nghiên cứu trên bệnh nhân ung thư dạ dày, tử cung,... của Trung tâm điều trị ung thư (Tokyo - Nhật Bản), tỷ lệ người bệnh dùng nấm Linh chi sống thêm 5 năm cao hơn những người không dùng nấm.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy Linh chi chứa một số hoạt chất như: acid amin, nguyên tố vi lượng, ergosterol, lyzozym, protease, acid hữu cơ, alkaloid,...
Do nguồn nấm Linh chi hoang dại thường không ổn định về hoạt chất và khả năng cung cấp, từ năm 1970, các nhà khoa học Nhật Bản thành công trong việc nuôi trồng Linh chi trong môi trường nhân tạo và từ đó kỹ thuật này liên tục được cải tiến và dần đạt đến quy mô công nghiệp. Sau đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông cũng bắt đầu tăng cường sản xuất Linh chi và mở rộng sử dụng dược liệu này từ thập niên 1980 trở lại đây.
Tại Việt Nam, chúng ta cũng đã nuôi trồng được Linh chi tại một số trung tâm khoa học như: Học Viện Quân Y (chi nhánh phía Nam - TS. Lê Võ Định Tường- 1995); Đại học Khoa Học Tự Nhiên (Đại Học Quốc Gia Hà Nội - PGS. TS Nguyễn Thị Chính, Trương Thị Hòa - 1998); Trung tâm nghiên cứu Linh chi và nấm dược liệu (81/1 Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM),... Nhiều xí nghiệp, công ty đã cho ra đời các sản phẩm từ nguyên liệu Linh chi Việt Nam như: Mekophar; OPC, Fitopharma (Bình Dương); Công ty Dược Lâm Đồng,... Các sản phẩm này có thể là Linh chi nguyên chất hoặc phối hợp với Nhân sâm, Tam thất và một số dược liệu khác, đồng thời cũng khá đa dạng về chủng loại: viên nang, trà túi lọc, rượu,... để đáp ứng với thị hiếu của người tiêu dùng. Bạn có thể mua các chế phẩm Linh chi này tại các nhà thuốc, siêu thị.
Nếu muốn tự chế biến, bạn cũng có thể mua nấm Linh chi tại các cửa hàng Đông dược và làm theo một số cách như sau:
- Linh chi ngâm rượu: xắt mỏng nấm Linh chi, ngâm với rượu 40 - 450C khoảng 3 tuần. Khi dùng, uống 2 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 1 chén nhỏ.
- Linh chi nấu nước uống: lấy khoảng 4 - 12g Linh chi đã xắt thành lát mỏng, thêm 3 chén nước sạch, đun to lửa cho đến sôi, hạ bớt lửa để sôi riu riu đến khi còn khoảng 1 chén nước. Chiết nước riêng ra. Bã còn lại thêm nước, nấu thêm 2 lần nữa. Sau đó trộn chung cả 3 dịch sắc, chia làm 3 lần uống mỗi ngày.
- Trà Linh chi: sấy nấm Linh chi, tán nghiền thành bột. Mỗi lần dùng, lấy khoảng 2 - 4g, thêm 200ml nước sôi, hãm khoảng 10 phút rồi uống.
Giá nấm Linh chi trên thị trường dao động tùy thuộc nguồn gốc, thời vụ, chất lượng, từ 120.000đ đến 320.000đ/kg. Vì vậy, bạn nên mua Linh chi của những cơ sở kinh doanh có nguồn gốc rõ ràng để có thể yên tâm sử dụng Linh chi hàng ngày, giúp điều hòa các hoạt động chức năng chính của cơ thể và phòng chống bệnh tật.
Nguồn: http://www.omegamart.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét